PHỤ HUYNH CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI CHO TRẺ ĐẾN TRƯỜNG MẦM NON
- Một số phụ huynh cũng như bạn bè của tôi có hỏi về vấn đề mà họ lo lắng khi chuẩn bị cho trẻ đi học nhà trẻ - mẫu giáo, và đa số họ cần biết những điều gì cần thiết để chuẩn bị cho đứa trẻ khi lần đầu đi học tiếp xúc với môi trường tập thể, với những người xa lạ mà không có người thân bên cạnh.
- Thẳng thắn mà nói thì việc chuẩn bị ở đây không chỉ dành cho đứa trẻ mà ngay cả chính những phụ huynh cũng cần có sự chuẩn bị cho mình và những người thân trong gia đình mình.
- Đối với những bậc phụ huynh việc cho con đi học khi tuổi còn quá nhỏ (tuổi mầm non) luôn luôn có cảm giác bất an, lo lắng về mọi mặt, đó là điều không tránh khỏi vì các bé sẽ có những thay đổi nhất định về mặt tâm sinh lý. Một đứa trẻ đến trường học tập và sinh hoạt trong môi trường tập thể không thể được chăm sóc chu toàn như một đứa trẻ chỉ có 1 mình với nào là ông bà, ba mẹ, hoặc có thêm 1-2 cô giúp việc. Vì vậy việc đứa trẻ tự chơi, tự phục vụ là chuyện rất bình thường trong môi trường chung ấy.
- Việc chuẩn bị tâm lý cho các bậc phụ huynh đôi lúc còn quan trọng hơn là cho đứa trẻ vì nếu chúng ta không dứt ra được cảm giác xót con thì khó lòng để đứa trẻ hòa nhập tốt với bạn bè và môi trường mới.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều bậc phụ huynh lần đầu đưa con đến lớp đã đứng tại lớp khóc cùng con khi thấy con khóc, khiến cô giáo “đứng hình” vì không biết phải vỗ về con hay an ủi mẹ.
Có phụ huynh thì thấy con khóc mà không cầm lòng được đã chạy vào lớp ôm con rồi đi thẳng về nhà trước sự ngỡ ngàng của các cô giáo và bà nội vì lý do không thể nhìn con khóc lóc thảm thiết như vậy.
Thậm chí có phụ huynh còn tâm sự với tôi rằng “1 tháng đầu cho con đi học, họ ngồi xem camera từ sáng đến chiều, không rời mắt khỏi màn hình và thậm chí không dám đi ăn uống mà yêu cầu người nhà mang tận bàn máy tính vừa ăn vừa xem cho đến lúc đón con về”…
- Tất nhiên còn nhiều vấn đề nữa mà nhiều phụ huynh gặp phải, dĩ nhiên phản ứng đó là bình thường vì ai sinh con ra mà không xót, tình mẫu tử luôn thiêng liêng nên điều đó không có gì là xấu hay đáng lên án cả. Cá nhân tôi cho rằng đó là phản ứng bình thường nhất của các bậc phụ huynh.
- Chính vì vậy mà chúng ta cần có sự chuẩn bị về mặt tâm lý khi chuẩn bị cho con nhỏ đến trường mầm non.
+ Xác định độ tuổi nào là phù hợp để trẻ đi học là tùy vào điều kiện từng gia đình.
+ Khi biết trước một số vấn đề có thể xảy ra với trẻ thì chúng ta phải cố gắng vượt qua cảm giác “xót con” nếu thấy bé khóc trước mặt mình.
+ Tham khảo các bước để cho trẻ được làm quen từ từ và chuẩn bị đầy đủ cho bé để có sự yên tâm.
+ Lựa chọn môi trường nào vừa thuận tiện vừa phù hợp với điều kiện của gia đình (có thể chọn gần nhà hoặc gần chỗ làm để thuận tiện chạy đến khi có việc cần thiết)
+ Không nên dọa bé “con không ngoan là mẹ cho đi học đó”, bé sẽ có ác cảm với từ “đi học”
+ Giúp người thân trong gia đình cùng phối hợp để chuẩn bị cho bé đi học, tránh việc bố muốn cho đi học, mẹ muốn cho ở nhà, hay mẹ muốn cho đi học, ông bà muốn được trông cháu. Sự bất đồng ý kiến trong gia đình cũng tạo tâm lý cho đứa trẻ cảm giác “đi học nửa vời”. Hôm nay có mẹ muốn cho đi, nhưng mẹ không có nhà ông bà lại bảo “thôi cho ở nhà chơi, bé thế mà bắt đi học làm gì?”…
+ Thường xuyên trò chuyện với bé về môi trường mới, tạo sự hứng thú, kích thích bé đi học vì có những điều mới mẻ.
* Khi bé lần đầu đến trường mầm non tất nhiên sẽ có nhiều vấn đề có thể xảy ra cho đứa trẻ khiến nhiều bậc phụ huynh không an tâm. Tuy nhiên thường gặp nhất là những vấn đề sau mà phụ huynh cần lưu ý:
+ Đa số (không phải tất cả) trẻ lần đầu đến lớp đều có phản ứng khóc, vì đến với một môi trường lạ, những người cũng xa lạ, và cảm giác bị người thân bỏ rơi.
+ Đối với trẻ nhỏ sẽ dễ bệnh, sốt hơn vì môi trường xung quanh, trẻ tiếp xúc với nhiều người. Đó là lý do nhiều phụ huynh cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi đi học hay thắc mắc trẻ đi học hay bị bệnh.
+ Chế độ sinh hoạt thay đổi, giờ giấc thay đổi khiến bé dễ uể oải hơn vì cơ thể của bé phải thích nghi với giờ giấc ở trường: giờ ăn, giờ ngủ, giờ chơi…
+ Chế độ dinh dưỡng ở trường cũng khác với ở nhà: khẩu vị, cách chế biến cũng khác, thực đơn thì được thiết kế chung và thay đổi theo tuần tháng. Không như ở nhà các bé ăn uống theo nhu cầu cá nhân. Chính vì vậy có nhiều trẻ sẽ dễ sụt cân trong thời gian đầu đi học.
+ Bên cạnh đó sẽ còn một vài điều khác nữa cũng có thể xảy ra như: bé trở nên sợ hãi, hay giật mình khi ngủ, hay khóc – la hét không chịu đi học… Tùy vào biểu hiện cũng như phản ứng của đứa trẻ mà phụ huynh lưu ý cũng như có sự can thiệp kịp thời để giúp bé đến trường trong một tâm thế thoải mái hơn.
• Vậy phụ huynh cần chuẩn bị những gì cho trẻ để trẻ đến trường một cách vui vẻ và tự tin hơn:
+ Để giảm bớt tình trạng bé bị sốc tâm lý khi ngày đầu đến trường đã bị gia đình “bỏ rơi”, chúng ta cần có sự chuẩn bị dần về mặt thời gian. Cho trẻ làm quen với môi trường mới như đến tham quan, đến trường chơi, vô lớp chơi với bạn. Thời gian đầu cho học nửa buổi, hoặc vài tiếng rồi về. Dần dần mới cho bé ở cả ngày.
+ Khi thấy trẻ khóc phụ huynh cố gắng tránh để bé nhìn thấy trong một khoảng thời gian nhất định để quan sát tình hình. Nếu thấy cô giáo đã dỗ được bé thì cố gắng để bé làm quen cô, nếu thấy tình hình bé khóc nhiều mà cô giáo không dỗ bé nín được thì có thể quay lại chơi với bé hoặc đón về để bé không có cảm giác sợ hãi.
+ Tập cho bé có những thói quen ở nhà và tham khảo thêm chế độ sinh hoạt của từng độ tuổi (phụ huynh xem bảng chế độ sinh hoạt của từng độ tuổi đính kèm để có sự chuẩn bị phù hợp với lứa tuổi mà con bạn chuẩn bị đi học), việc tham khảo này giúp phụ huynh có thể tập cho bé theo giờ giấc ở trường để khi đi học bé không bị thay đổi chế độ sinh hoạt đột ngột.
+ Về chế độ dinh dưỡng, thời gian đầu đi học một số bé có thể thích nghi ngay với chế độ dinh dưỡng ở trường và ăn uống tốt hơn ở nhà. Tuy nhiên có một số bé thì lại không hợp khẩu vị cũng như ăn uống không đúng theo yêu cầu độ tuổi ví dụ như có bé 3 tuổi vẫn ăn cháo, hay có bé 2 tuổi ăn đồ ăn phải xay nhuyễn như bột, hoặc có bé không chịu ăn rau, không ăn canh…
Phụ huynh cần tập cho bé ăn uống theo độ tuổi để bé dễ thích nghi hơn khi đi học
6 - 12 tháng ăn dặm – bột
13 – 18 tháng – Cháo
19 – 24 tháng – Cơm nát
25 – 36 tháng – Cơm thường
+ Thời gian đầu đi học, phụ huynh có thể cho bé ăn bổ sung thêm ở nhà nếu thấy bé ăn uống chưa quen khi ở trường hoặc chuẩn bị thêm phần sữa để bé uống bổ sung.
+ Có thể tập thêm cho bé việc đi vệ sinh (tiểu tiện) đúng nơi hay biết gọi người lớn.
+ Tập cho bé nhận biết đúng đồ dùng cá nhân của mình như: Cặp, giày, dép, quần áo bằng những ký hiệu riêng mà phụ huynh làm cho bé.
- Khi cho bé đi học, phụ huynh cần trao đổi kỹ với giáo viên phụ trách lớp về những sở thích cũng như điểm đặc biệt của bé để cô giáo lưu ý như: thói quen khi ăn uống, ngủ, đi vệ sinh, những biểu hiện khi bé muốn gì, có bị dị ứng món ăn nào không? Tính cách của bé khi ở nhà…
- Chuẩn bị đồ dùng cá nhân đầy đủ cho bé như: Cặp (balo), quần áo ít nhất 3 bộ/ngày, 1 túi nilong nhỏ đựng đồ dơ khi bé thay ở trường, tã giấy (nếu bé có thói quen mặc ở nhà) lưu ý giáo viên tập cho bé đi vệ sinh đúng nơi quy định, sữa bột (hoặc sữa tươi) nếu trường không có chế độ sữa riêng cho bé…
Quần áo xếp gọn gàng theo bộ để bé tự lấy hoặc giáo viên lấy ra dễ dàng không bị nhầm lẫn, đó cũng là cách dạy bé sắp xếp đồ dùng gọn gàng khi đi học.
- Lưu những thông tin cần thiết của trường, lớp cũng như gửi lại thông tin của bé, của người thân tại trường trước khi giao bé cho các cô giáo.
- Thời gian trẻ thích nghi tùy thuộc vào từng cá nhân của trẻ cũng như sự chuẩn bị và phối kết hợp của phụ huynh.
• Trên đây là một số vấn đề mà tôi muốn chia sẻ với những người bạn cũng như những phụ huynh quan tâm đến vấn đề chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi đến trường mầm non. Có thể bài viết còn nhiều thiếu sót nhưng nó sẽ góp một phần nhỏ cho những ai quan tâm. Rất mong mọi người có ý kiến chia sẻ thêm để mình bổ sung vào bài viết hoàn thiện hơn.
Tác giả: Intenet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
-Cháo mực củ dền, nấm rơm.
-Sữa Netsure
-Cơm trắng
-Thịt bò xào rau củ.
-Canh tần ô nấu tôm khô thịt bằm.
- Nho xanh.
Bữa chiều:-Cà ri gà + Bánh mì.
Văn bản mới
Ngày ban hành: 02/04/2024. Trích yếu: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông báo công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cấp phép theo thẩm quyền.
Ngày ban hành: 02/04/2024
Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: Công nhận BDTX THCS
Ngày ban hành: 12/06/2024
Thăm dò ý kiến